Đoàn luật sư thành phố hà nội

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HOÀNG HƯNG

CHI NHÁNH 6

KỲ VI: Lịch sử hình thành và phát triển luật Đất đai Việt Nam

KỲ VI: Lịch sử hình thành và phát triển luật Đất đai Việt Nam

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LUẬT ĐẤT ĐAI QUA CÁC THỜI KỲ
(Kỳ VI: ngày 04/01/2024)
 
   
 
II/. Giai đoạn từ ngày 08/1/1988 đến 15/10/1993:
Giai đoạn này thực hiện theo Luật Đất đai ngày 29 tháng 12 năm 1987, có hiệu lực thi hành từ ngày 08/1/1988 (gọi tắt là Luật Đất đai 1987). Ngày 23/3/1989, Hội đồng bộ trưởng ban hành Nghị định số 30/HĐBT về thi hành Luật Đất đai.
Những nội dung cơ bản cần chú ý của Luật đất đai 1987 là:
1. Về chế độ sở hữu đất đai:
1.1 Luật Đất đai năm 1987 quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
  • Nhà nước giao đất cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, gọi chung là người sử dụng đất-để sử dụng ổn định, lâu dài.
  • Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này.
1.2 Luật Đất đai năm 1987 ảnh hưởng nặng nề của cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp; Luật chỉ thừa nhận người sử dụng đất gồm: nông trường, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân; trong đó:
          (1). HTX nông nghiệp bậc cao quy mô toàn xã chiếm giữ hầu hết ruộng đất ở nông thôn miền Bắc. Theo Điều lệ HTX bậc cao năm 1969 thì kể cả đất kinh tế gia đình, đất khai hoang, phục hóa của hộ xã viên cũng đều của HTX, khi hộ xã viên không canh tác, hoặc đi kinh tế mới, chuyển đi nơi khác sinh sống HTX HTX thu hồi lại.
Tuy nhiên, Ngày 5/4/1988, thay mặt Bộ Chính trị, đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.Theo Nghị quyết, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Tuy nhiên hộ xã viên nhận khoán vẫn không phải là người sử dụng đất. Phương án khoán 10 sau này là cơ sở để thực hiện giao ruộng ổn định lâu dài theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của chính phủ.
       (2). Hộ gia đình, cá nhân:
- Ở miền Bắc các hộ không vào HTX (hộ cá thể) tiếp tục sử dụng ruộng đất thuộc sở hữu của mình trước đây, họ được thừa nhận là chủ sử dụng đất theo Luật Đất đai.
- Ở miền Nam do mô hình tập đoàn sản xuất không thành công nên ruộng đất chủ yếu vẫn do các hộ nông dân được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giao theo luật “người cày có ruộng” tiếp tục sử dụng.
- Hộ gia đình, cá nhân trên phạm vi toàn quốc là chủ sử dụng đất “thổ cư”.
(3). Các nông trường, lâm trường trên phạm vi toàn quốc sử dụng một số lượng khá lớn đất nông, lâm nghiệp.
(4). Các xí nghiệp, công ty (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước); cơ quan nhà nước là chủ sử dụng đất được nhà nước giao.
1.3. Luật cũng quy định:
Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm huỷ hoại đất đai.
1.4. Về thẩm quyền giao đất được quy định như sau:
(1) Hội đồng bộ trưởng xét duyệt kế hoạch hàng năm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc giao đất nông nghiệp, đất có rừng để sử dụng vào mục đích khác.
(2) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
a) Giao đất cho các tổ chức kinh tế quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp;
b) Giao đất để sử dụng vào mục đích khác không phải sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong phạm vi sau đây:
Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất có rừng, đất khu dân cư và từ 2 ha trở xuống đối với đất hoang, đồi núi cho mỗi công trình không theo tuyến.Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất có rừng, đất khu dân cư và từ 5 ha trở xuống đối với đất hoang, đồi núi cho mỗi công trình theo tuyến.
c) Giao đất chuyên dùng để sử dụng vào mục đích chuyên dùng, trừ đất thuộc vùng lãnh hải.
d) Xét duyệt kế hoạch giao đất khu dân cư nông thôn để nhân dân làm nhà ở theo định mức hàng năm đã được Hội đồng bộ trưởng xét duyệt cho mỗi loại xã.
đ) Giao đất khu dân cư thuộc nội thành nội thị theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
(3) Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định:
a) Giao đất cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và cá nhân để sử dụng lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;
b) Giao đất chưa sử dụng cho các tổ chức và cá nhân sử dụng có thời hạn hoặc tạm thời để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;
c) Giao đất khu dân cư nông thôn cho nhân dân làm nhà ở theo kế hoạch đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt.
(4) Uỷ ban nhân dân quận có thẩm quyền giao đất cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và cá nhân để sử dụng lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; giao đất chưa sử dụng cho các tổ chức và cá nhân sử dụng có thời hạn hoặc tạm thời để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp
1.5 Về thu hồi đất:
Có 08 trường hợp thu hồi đất:
1- Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, chuyển đi nơi khác, hoặc bị thu hẹp mà giảm nhu cầu sản xuất;
2- Tất cả số người trong hộ sử dụng đất đã chuyển đi nơi khác hoặc đã chết;
3- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao;
4- Thời hạn sử dụng đất đã hết;
5- Người sử dụng đất không sử dụng đất được giao trong 6 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép;
6- Người sử dụng đất vi phạm nghiêm trọng những quy định về sử dụng đất;
7- Đất giao không đúng thẩm quyền;
8- Cần sử dụng đất cho nhu cầu của Nhà nước hoặc của xã hội.
* Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó.
Trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh hoặc chống thiên tai thì việc thu hồi đất do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên quyết định theo đề nghị của cơ quan chỉ huy quân sự hoặc cơ quan chỉ huy chống bão lụt.
1.6. Việc chuyển quyền sử dụng đất:
 Việc chuyển quyền sử dụng đất đai chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:
(1) Khi hộ nông dân vào hoặc ra hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp;
(2) Khi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và cá nhân thoả thuận đổi đất cho nhau để tổ chức lại sản xuất;
(3) Khi người được giao đất chuyển đi nơi khác hoặc đã chết mà thành viên trong hộ của người đó vẫn còn tiếp tục sử dụng đất đó.
Việc chuyển quyền sử dụng đất đai ở nông thôn thì do Uỷ ban nhân dân xã quyết định, ở thành thị thì do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh quyết định.
(4) Người được thừa kế nhà ở hoặc người chưa có chỗ ở, khi được người khác chuyển nhượng nhà để ở, sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, thì được quyền sử dụng đất ở có ngôi nhà đó.
1.7 Về thời hạn sử dụng đất:
(1) Giao đất ổn định lâu dài: người sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài trừ những trường hợp bị thu hồi đất.
(2). Giao đất có thời hạn: Thời gian sử dụng đất có hạn, từ 5 năm trở lên.
(3). Giao đất tạm thời: có thời gian sử dụng dưới 5 năm.
Việc giao đất ổn định lâu dài và việc giao đất có thời hạn chủ yếu áp dụng đối với những nơi đã xác định rõ quy hoạch sử dụng đất.
1.8  Người đang sử dụng đất hợp pháp là người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; người có tên trong sổ địa chính.
* Lần đầu tiên, Tổng Cục Quản lý ruộng đất ban hành mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất( trang 1 có màu đỏ sẫm nên quen gọi là (Sổ đỏ)- Trang 1 của sổ này được ký hiệu bởi số seri gồm 2 chữ cái viết hoa và 6 chữ số Arập (ví dụ AB. 123456). Đồng thời, Tổng Cục Quản lý ruộng đất ban hành: Mẫu sổ địa chính để đăng ký quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức.. Sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để theo dõi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sổ địa chính lập thành hai bản, một bản lưu giữ tại cấp lập sổ (UBND xã), một bản lưu giữ ở cấp trên trực tiếp (UBND cấp huyện).
Cảm ơn các bạn đón đọc và mời các bạn tiếp tục theo dõi các kỳ tiếp theo!
Thank you!