Đoàn luật sư thành phố hà nội

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HOÀNG HƯNG

CHI NHÁNH 6

KỲ V: Lịch sử hình thành và phát triển luật Đất đai Việt Nam

KỲ V: Lịch sử hình thành và phát triển luật Đất đai Việt Nam

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LUẬT ĐẤT ĐAI QUA CÁC THỜI KỲ
(Kỳ V: ngày 14/12/2023)
 
 
 
 
4. Thời kỳ từ năm 1980 đến 1987:
          4.1.Trong thời kỳ này, ngày 18/12/1980 đánh dấu bước ngoặt quan trong trong quản lý đất đai; bằng ra đời của Bản Hiến pháp ngày 18/12/1980, với sự thay đổi căn bản về chế độ sở hữu đất đai.
Điều 19 Hiến pháp quy định: Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, vv...đều thuộc sở hữu toàn dân.
Điều 20 quy định: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm.
Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 01/7/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 201/CP về thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước. Đây là văn bản chủ đạo quy định về chế độ sở hữu đất đai, về quản lý, sử dụng đất đai, văn bản này được thực hiện từ khi ban hành đến ngày 08/01/1988.
Ngày 19/11/1980, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 299/TTg về đo đạc, phân hạng và đăng ký, thống kê ruộng đất trong cả nước.
Tổng Cục quản lý ruộng đất ban hành 2 Thông tư 55/TT-TCQLRĐ ngày 05 tháng 11 năm 1981 của Tổng cục quản lý ruộng đất về hướng dẫn cách giải quyết các trường hợp sử dụng ruộng đất không hợp pháp, không hợp lý.
          Ngày 5/11/1981, Tổng cục Quản lý ruộng đất có Quyết định số 56-ĐKTK ban hành bản quy định về thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước.
          4.2. Một số nội dung cơ bản về quản lý, sử dụng đất đai thời kỳ này.
4.2.1. VỀ THỐNG NHẤT QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC:
(1) Toàn bộ ruộng đất trong cả nước đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và kế hoạch chung nhằm bảo đảm ruộng đất được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
(2) . Quản lý Nhà nước đối với ruộng đất:
Lần đầu tiên Chính phủ quy định về nội dung quản lý nhà nước về ruộng đất, bao gồm 7 nội dung sau đây:(1). Điều tra, khảo sát và phân bố các loại đất.(2). Thống kê, đăng ký đất. (3). Quy hoạch sử dụng đất. (4). Giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất. (5). Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý sử dụng đất. (6). Giải quyết các tranh chấp về đất. (7). Quy định các chế độ, thể lệ để quản lý việc sử dụng đất và tổ chức việc thực hiện các chế độ, thể lệ ấy.
4.2.2. VỀ QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT
4.2.2.1. Mọi tổ chức hay cá nhân sử dụng các loại đất (dưới đây gọi chung là người sử dụng đất) có các quyền sau đây:
a) Tiến hành trên đất mình sử dụng mọi hoạt động hợp pháp có lợi cho việc thực hiện mục đích sử dụng đã được quy định và được hưởng những hoa lợi do lao động của mình làm ra.
b) Được sử dụng các nguồn nước có ở đất đó theo quy định của pháp luật.
c) Được hưởng lợi ích do những công trình công cộng về bảo vệ đất, cải tạo đất mang lại.
d) Được Nhà nước bảo hộ mọi quyền lợi hợp pháp trên diện tích đã được công nhận và được giúp đỡ trong việc bồi dưỡng đất theo khả năng của Nhà nước.
4.2.2.2. Người sử dụng đất có các trách nhiệm chung sau đây:
a) Phải theo đúng mục đích, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, sử dụng đúng diện tích, ranh giới, thời hạn hoặc các điều kiện khác do cơ quan có thẩm quyền quy định khi giao đất.
b) Nếu đất không sử dụng hoặc không sử dụng hết đất thì người sử dụng đất phải trả lại phần đất không sử dụng cho Nhà nước. Đối với đất trước kia thuộc sở hữu cá thể hợp pháp, khi người chủ đất không sử dụng nữa (hoặc không có người thừa kế hợp pháp sử dụng) thì Ủy ban nhân dân huyện quyết định việc sử dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã. Tuy nhiên, nhiều nơi HTX, UBND xã tự tiện lấy sử dụng trong khi vẫn còn nguồn thừa kế mà không có quyết định của UBND huyện.
c) Không được phát canh thu tô, cho thuê, cầm cố hoặc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào.
d) Phải thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong việc phân bố lại đất vì lợi ích chung của Nhà nước.
* Như vậy, Hiến pháp 1980 và Quyết định 201/CP không quy định người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, để lại quyền thừa kế, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
4.2.3. VỀ ĐĂNG KÝ, THỐNG KÊ ĐẤT
(1). Để thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất, tất cả các tổ chức và cá nhân sử dụng đất đều phải khai báo chính xác và đăng ký các loại ruộng đất mình sử dụng vào sổ địa chính của Nhà nước, Ủy ban nhân dân xã phải kiểm tra việc khai báo này.
(2). Sau khi kê khai và đăng ký, các tổ chức hay cá nhân nào được xác nhận là người quản lý sử dụng hợp pháp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tuy nhiên, giai đoạn này chưa quy định mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) mà Tổng cục quản lý ruộng đất chỉ quy định mẫu giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng đất.
(3). Mẫu bản đồ, sổ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định và dùng thống nhất trong cả nước.
Tổng cục quản lý ruộng đất đã ban hành Quyết định số 56/ĐKTK ngày 5/11/1981, quy định về mẫu sổ Đăng ký ruộng đất:
- Mẫu số 5a, đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với tổ chức,
- Mẫu số 5b, đăng ký quyền sử dụng ruộng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Trong các năm từ 1981 đến 1985, cả nước thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ. Việc lập bản đồ thực hiện bằng các phương pháp sau:
- Đo đạc mới, lập bản đồ, chủ yếu là bản đồ giải thửa tỷ lệ 1/2000, lập theo Quyết định 56/ĐKTK ngày 5/11/198, có kích thước bản đồ gốc lập theo mẫu số 09/ĐKTK, có kích thước 60 cmx60 cm, vẽ trên giấy croki, dán bồi trên ván gỗ thông. Căn cứ bản đồ gốc này, sử dụng giấy bóng can để can lại trên khổ A0.
- Đo đạc chỉnh lý trên nền bản đồ giải thửa lập khi thực hiện Quyết định 169/QĐ/TTg ngày 24/6/1977; vẽ trên giấy croki, dán bồi trên ván gỗ thông. Căn cứ bản đồ gốc này, sử dụng giấy bóng can để can lại trên khổ A0.
Trên nền bản đồ nêu trên, tiến hành chỉnh lý theo phương án xử lý hộ sử dụng đất không hợp pháp biên tập thành bản đồ địa chính, có chữ ký của cán bộ địa chính, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Trưởng bộ phận quản lý ruộng đất huyện, thành phố, thị xã, Trưởng Ban quản lý ruộng đất và đo đạc bản đồ tỉnh, thành phố.
 ( Mời các bạn theo dõi và đón đọc các kỳ tiếp theo)
Thank you!