Có thể chia quá trình hình thành, phát triển ngành luật đất đai Việt Nam thành các giai đoạn:
(1). Giai đoạn trước ngày 08/1/1988 (trước ngày Luật đất đai ngày 29 tháng 12 năm 1987 có hiệu lực thi hành). Giai đoạn này thực hiện theo quy định của Quyết định 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường quản lý ruộng đất trong cả nước).
(2).Giai đoạn từ 08/1/1988 đến 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành). Giai đoạn này thực hiện theo quy định của Luật Đất đai ngày 29 tháng 12 năm 1987.
(3) Giai đoạn từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2004 (ngày Luật Đất đai ngày 26/11/2003 có hiệu lực thi hành). Giai đoạn này thực hiện theo quy định của Luật Đất đai ngày 14/7/1993.
(4). Giai đoạn từ ngày 01/7/2004 đến ngày 01/7/2014 (ngày Luật Đất đai ngày 29/11/2013 có hiệu lực thi hành). Giai đoạn này thực hiện theo quy định của Luật Đất đai ngày 26/11/2003
(5). Giai đoạn từ ngày 01/7/2014 đến nay; thực hiện theo quy định của Luật Đất đai ngày 29/11/2013.
I. Giai đoạn trước ngày 08/1/1988.
1. Từ năm 1945 đến năm 1954.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ. Chỉ ít ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41-SL đặt nền móng quan trọng cho việc ra đời của ngành Quản lý đất đai thuộc Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo sắc lệnh này: Bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan trước thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương (các Sở lớn chung cho toàn hạt Đông Dương và các Sở phụ thuộc Phủ Toàn quyền) đã thiết lập hoặc ở Hà Nội, hoặc ở Sài Gòn, hoặc ở Đà Lạt, hoặc ở các nơi khác thuộc địa hạt Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ nước Việt Nam.
Những bất động sản và động sản (dinh thự, nhà cửa, của cải, đồ đạc, hàng hoá, khí cụ, tài liệu, đồ dùng phòng giấy, v.v...) của tất cả những công sở kể trên đều phải giữ nguyên vẹn và chuyển giao, cùng với những nhân viên hiện tòng sự tại đấy, sang các Bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam. Trong đó, Sở Trước bạ, Văn tư, Quản thủ điền thổ và thuế Trực thu là cơ quan quản lý đất đai của Phủ Toàn quyền Đông Dương được giao cho Bộ Tài Chính. Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75 thành lập
Nha Trước bạ - Công sản - Điền thổ. Kèm theo đó là hệ thống các đơn vị trực thuộc ở 03 cấp tỉnh, huyện, xã nhằm duy trì, bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất và thu thuế điền thổ. Đến năm 1953 do yêu cầu của kháng chiến, các Ty Địa chính được sáp nhập vào Bộ Canh nông, rồi trở lại Bộ Tài chính để phục vụ mục đích thu thuế nông nghiệp.
( Ngày 11 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg, lấy ngày 03 tháng 10 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai Việt Nam).
Cùng với đó, ngày 12/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí minh ký Sắc lệnh 149/SL về chính sách ruộng đất; theo đó quy định việc giảm tô, giảm tức và lĩnh canh ruộng đất, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp, việt gian, phản động chia cho dân cày không có ruộng hoặc ít ruộng
làm của riêng. Thành lập Ban ruộng đất để thực hiện việc chia ruộng.
Sắc lệnh này nhằm bước đầu thực hiện
Chính cương vắn tắt,
Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt tại hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, xác định chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc "
tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản".. Với chính sách ruộng đất tại Sắc lệnh này đã góp phần rất quan trọng giải phóng sức lao động trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng tự do, nông dân phấn khởi, hăng say sản xuất chi viện cho mặt trận, bộ đội Việt minh chiến đấu ngoài mặt trận yên tâm, phấn khởi chiến đấu, tạo động lực để quân đội Việt minh giành nhiều thắng lợi vang dội trên mặt trận, chuẩn bị cho cuộc quyết chiến chiến lược - Chiến dịch Điện Biên phủ, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Đến năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết định, vùng tự do đã mở rộng hầu khắp lãnh thổ Việt Nam, Quân đội thực dân Pháp và ngụy quân co cụm, xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ; tháng 11/1953, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam bàn về cải cách ruộng đất. Ngày 4/12/1953, Quốc hội đã thông qua Luật cải cách ruộng đất; Luật này “
định cho toàn quốc . Vùng tự do có đủ điều kiện thì thi hành trước. Các vùng khác chưa đủ điều kiện, thì thi hành sau”. Theo đó:
1.1. Xác định Mục đích và ý nghĩa cải cách ruộng đất là:
- Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ,
- Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân,
- Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển,
- Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến,
- Để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc.
1.2. Về nội dung:
Tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất:
a) Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác.
b)Đối với địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì tuỳ tội nặng nhẹ mà tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất, trâu bò, nông cụ, lương thực thừa, nhà cửa thừa và tài sản khác.
Phần không tịch thu thì trưng thu.
c) Đối với nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, thì:
Trưng thu toàn bộ ruộng đất hiện có cùng trâu bò và nông cụ.
Giá trưng mua ruộng đất là giá sản lượng trung bình hàng năm của ruộng đất trưng mua.Giá trưng mua được trả bằng một loại công phiếu riêng. Công phiếu ấy được trả lãi 1,5% mỗi năm. Sau thời hạn mười năm sẽ hoàn vốn.
d). Đối với ruộng đất công và nửa công, nửa tư và ruộng đất của tôn giáo:
* Trưng thu đối với:- Công điền, công thổ. Ruộng phe, ruộng giáp, ruộng xóm; ruộng tư văn, tư vũ, lộc điền; ruộng hậu, ruộng họ, ruộng môn sinh, v.v..Ruộng đất của các đoàn thể.
* Ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viên, v.v...) thì trưng thu và trưng mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua.
Trưng thu ruộng đất của địa chủ không rõ tông tích.
* Đối với ruộng đất của địa chủ vắng mặt vì tham gia công tác kháng chiến và của địa chủ tản cư ở vùng tự do mà không phải là Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì
trưng mua.
* Trưng thu ruộng đất của địa chủ bỏ hoang bất cứ vì lý do gì. Ruộng đất không phải của địa chủ mà bỏ hoang quá hai năm không có lý do chính đáng thì trưng thu.
1.3. Đối tượng được chia ruộng:
Gồm 10 nhóm đối tượng: (1) Nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất: bần cố nông và trung nông thiếu ruộng đất.Phú nông làm tá điền thiếu ruộng đất cũng được chia. (2) Đối với những tầng lớp nghèo ở nông thôn (người làm nghề thủ công, người làm hàng xay hàng xáo, người buôn thúng, bán mẹt, người làm nghề đánh cá, người làm nghề tự do, v.v...), nếu không đủ sống và có sức cày cấy. (3) Những đối tượng ở nông thôn và thuộc hạng được chia, thì được chia một phần ngang với phần chia cho nông dân:Liệt sĩ, quân nhân cách mạng, thương binh, bệnh binh.Cán bộ chính quyền và đoàn thể; nhân viên phục vụ kháng chiến, công nhân các xí nghiệp quốc doanh. (4) Công nhân thất nghiệp, và gia đình họ ở nông thôn, nếu không có nghề khác để sống và có sức cày cấy, thì được chia. (5) Những người tản cư về nông thôn, nếu không đủ sống, có sức cày cấy, yêu cầu được chia, và nông dân nơi họ tản cư đồng ý, thì cũng được chia(
chỉ được phép sử dụng mà không có quyền sở hữu ruộng đất được chia). (6) Nhà Chung, nhà chùa, từ đường họ, và các cơ quan tôn giáo khác, được để lại một phần ruộng đất để dùng vào việc thờ cúng.Những người làm nghề tôn giáo, nếu không đủ sống, có sức cày cấy và yêu cầu, thì được chia một phần ruộng đất ở nơi họ hoạt động, hoặc ở quê quán họ. (7) Nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, và gia đình của họ, được chia một phần xấp xỉ với phần chia cho nông dân. (8) Việt gian, phản động, cường hào gian ác bị xử phạt từ năm năm tù trở xuống thì được chia. (9) Gia đình ngụy binh ở nông thôn thuộc hạng được chia, thì cũng được chia.Ngụy binh cũng được chia một phần ruộng đất. Nhưng khi họ chưa bỏ hàng ngũ ngụy quân trở về với Tổ quốc, thì ruộng đất ấy do Uỷ ban Kháng chiến Hành chính hay Nông Hội xã tạm giữ. (10) Ngoại kiều và gia đình họ, nếu không có nghề đủ sống, có sức cày cấy, và yêu cầu, thì được chia một phần ruộng đất.
* Nguyên tắc chia là:
- Chia theo nhân khẩu chứ không theo sức lao động;
- Lấy diện tích bình quân và sản lượng bình quân ở địa phương làm tiêu chuẩn để chia;
- Chia theo đơn vị xã; song nếu xã ít người nhiều ruộng, thì có thể san sẻ một phần cho xã khác ít ruộng nhiều người, sau khi đã chia đủ cho nông dân trong xã.
- Để khuyến khích tăng gia sản xuất, ruộng đất vỡ hoang chưa quá ba năm của nông dân không tính vào số ruộng đất của họ trong khi chia.
Quyền của người được chia ruộng:
- Người được chia ruộng đất
có quyền sở hữu ruộng đất đó. Người được chia có quyền chia gia tài, cầm, bán, cho, v.v... ruộng đất được chia.
- Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ấy cho người được chia. Mọi khế ước cũ đều huỷ bỏ.
Thực hiện Luật cải cách ruộng đất, toàn quốc đã chia ruộng cho các đối tượng được chia, người được chia ruộng đã được Ủy ban hành chính cấp tỉnh cấp
Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất (xem mẫu giấy chứng nhận như hình dưới).
Cải cách ruộng đất là một cuộc vận động lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc vận động ấy cǎn bản đã thắng lợi, nhưng chúng ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng; qua sửa sai những sai lầm đó đã được sửa chữa và những thành quả của cải cách ruộng đất đã được giữ vững và phát huy thêm.